Truyện cổ tích

Tối nào mẹ cũng phải "chế" 1 truyện cổ tích hay 1 truyện kiểu Doraemon (nhưng nhân vật chính là chú chó Pimpa - nhân vật hoạt hình Ý, Pimpa có motif truyện rất giống Doraemon - bạn ấy có thể làm những thứ không thể). Tuần trước Quậy nói Quậy muốn nghe công chúa lọ lem. Thế là mẹ kể 
"ngày xửa ngày xưa, có 1 cô gái rất thông minh và chăm chỉ, cô phải sống với bà dì ghẻ độc ác và 2 cô chị luôn ganh ghét cô, họ ganh ghét với Lọ lem vì lọ lem học rất giỏi. khi Lọ Lem đến tuổi vào đại học, bà mẹ kế luôn tìm cách ngăn cấm, nhưng Lọ Lem bảo cô sẽ học đến cùng và sẽ là 1 nhà thiết kế giày tuyệt vời nhất. Lọ lem mở 1 tiệm giày nhỏ để kiếm tiền và tiếp tục việc học của mình. Tiệm giày của cô ngày càng nổi tiếng và được mọi người trong kinh thành yêu thích. Hoàng tử nghe đến tiệm giày thì rất tò mò, 1 ngày nọ, hoàng tử đến shop của Lọ Lem, nhìn từ ngoài vào, anh ta rất thán phục những đôi giày thật là êm chân lại xinh đẹp và độc đáo, từng đường kim mũi chỉ được khâu một cách chỉn chu. Hoàng tử vào tiệm, chàng nói chuyện với Lọ Lem và nhận thấy họ có rất nhiều điểm chung, Lọ Lem lại rất thích đọc sách, nên cô biết nhiều thứ, và cuộc trò chuyện trở nên thật thú vị. Sau hôm ấy Hoàng tử rất thích trò chuyện với Lọ Lem, đến 1 ngày, chàng quyết định chàng phải cầu hôn Lọ Lem. Họ cưới nhau và sống với nhau hạnh phúc mãi mãi". 

Con gái mình biết chuyện lọ lem phiên bản cũ, khi mà Lọ Lem chả biết làm gì ngoài cọ nhà cửa, than phiền với lũ chuột, và chim chóc rồi mơ một ngày có 1 chàng hoàng tử đến và giúp cô ta đổi đời. 1 câu chuyện không hề mang 1 tính giáo dục nào, một hình tượng phụ nữ thụ động, nhút nhát, chỉ biết ca thán và trông chờ "phép màu" cũng như hình ảnh một hoàng tử đến để cứu nàng. Hãy quên đi! đấy là câu chuyện của thời người phụ nữ chỉ biết ngồi nhà hầu chồng và hầu con, thời mà phũ nữ không được đi học đến nơi đến chốn, và ra đường thì chỉ biết cúi gằm mặt xuống đất đố dám ngẩng mặt lên chứ huống hồ mà kết bạn với cả trò chuyện với thiên hạ. 

Khi còn bé, mình đã rất thích câu chuyện cô bé lọ lem, nó rất đẹp, và vô tưởng vô phạt. Nhưng bây giờ khi nhìn lại, mình nhận thấy những ý tưởng cũ mèm, phân biệt giới tính, ủy mị, làm cho trẻ em gái thụ động và đặt hạnh phúc tương lai của mình vào tay một người khác là hoàn toàn sai. Đến khi mình 19, 20 tuổi, mình vẫn có niềm tin rằng 1 ngày mình sẽ tìm được 1 hoàng tử có thể bảo bọc mình như công chúa lọ lem nọ. Nhưng mình tin vào điều ấy một cách vô thức, nó đến một cách tự nhiên và mình hoàn toàn chấp nhận nó. 

Thế nên bây giờ thì khác, mình không cho phép con gái mình học những điều đó, và tuân theo những điều đó một cách tự nhiên. Không, việc trông chờ vào 1 người đàn ông để được hạnh phúc không hề tự nhiên, đó là sự thụ động, lười lao động nhưng vẫn mong có được sự viên mãn và đầy đủ. 

Khi con còn bé, mình vẫn đọc cho nó những câu chuyện cổ tích, nhưng mỗi lần đọc xong, mình cảm thấy những câu chuyện này có cái gì đó sai sai. Sau khi mình học lớp văn học, và giáo sư chọn hình ảnh người phụ nữ xuyên suốt giai đoạn văn học thì mình đã hiểu cái sai sai ấy là gì. Và cạch! sẽ không bao giờ có những câu chuyện cũ rích, điên rồ dựa trên những giá trị đạo đức sai lệch nữa. Đã đến lúc, chúng ta cần những câu chuyện cổ tích hiện đại, khi mà công chúa có thể cứu hoàng tử khi cần, và khi hoàng tử có thể vào bếp rửa chén và cho con ăn giúp công chúa. (tiêu biểu là chuyện của Shrek) ;) 

PS: ngay cả việc mở đầu 1 câu chuyện cổ tích thời xưa cũng đã không hợp lý: ngày xửa ngày xưa có 1 cô gái xinh đẹp và hiền diệu ... Xinh đẹp: thế nào là xinh đẹp? hiền diệu là như thế nào? nghĩa là khi bị chèn ép, khi người thân bị ức hiếp cũng hiền diệu à? đẹp là phải bụng 6 múi, mặt hoa hậu à? thế không có những cái "đẹp" chuẩn mực thì chắc là không có phép màu và cũng chả có hoàng tử đâu. Qua rồi cái thời đẹp cho vừa mắt thiên hạ! hãy nghĩ đến những tính từ chính xác và mang tính kỹ thuật hơn đi! quyết đoán, năng động, chăm chỉ, cá tính, sáng tạo, mạnh mẽ, ương bướng, ... 

Nhận xét

Các bài đọc được yêu thích nhất